Với công nghệ nuôi cá tân tiến, hiện đại của Na Uy, 55 lồng cá hình tròn khổng lồ của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật, thông tin KH&CN tỉnh Yên Bái đã và đang nuôi và đưa ra hàng trăm tấn cá đặc sản như cá nheo, diêu hồng, trắm đen… ra thị trường mỗi năm.
Mô hình nuôi cá độc đáo này thuộc Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thủy sản bằng lồng trên hồ Thác Bà” trong chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.
55 lồng cá nuôi theo công nghệ Na Uy của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật, thông tin KH&CN tỉnh Yên Bái.
Ông Đào Văn Minh – Công ty CP nghiên cứu ứng dụng dịch vụ KHCN T&T, đơn vị tiếp nhận công nghệ và xây dựng các mô hình thuộc dự án cho biết, công ty đang triển khai nuôi 55 lồng cá hình tròn “khổng lồ”, mỗi lồng 700m3, gồm đủ loại cá đặc sản như cá nheo, cá diêu hồng, rô phi, trắm đen, chép.
Với công nghệ lồng Na Uy, lồng được thiết kế bằng ống nhựa HDPE, lưới cước dệt và hệ thống phao nổi. Việc sử dụng ống nhựa HDPE có ưu thế lớn về sự bền vững của kết cấu lồng, độ bền và vững chắc của lồng, độ tiện lợi của quá trình thao tác.
Các loại cá được nuôi ở những vòng tròn “khổng lồ” trên hồ Thác Bà chủ yếu gồm cá diêu hồng, rô phi, trắm đen, chép… ngoài ra còn có cá Koi và cá lăng.
Trước khi bắt đầu thả cá, nguồn nước được kiểm tra để đảm bảo an toàn. Thức ăn cho cá là cám công nghiệp không có chất kích thích tăng trưởng. Hàng tháng cá được cho ăn tỏi để phòng bệnh.
“Mình có thể nuôi ở vùng nước rộng, sóng gió đều an toàn với cá. Nó là lồng tròn và con cá cũng bơi theo vòng tròn. Do nước hồ chảy liên tục nên rất sạch, giống cá lại sạch bệnh nên cá rất khỏe mạnh, lớn nhanh và việc khai thác cũng dễ dàng hơn.” – ông Minh giải thích.
Thức ăn cho cá thường ngày là cám công nghiệp, ngoài ra hàng tháng cá được cho ăn tỏi đề phòng bệnh.
Cách thức nuôi cá mới này giúp hơn 1.300 lồng cá trên hồ Thác Bà đạt năng suất mỗi lồng 2,5-3 tấn/năm, mỗi lồng cho thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng. Không chỉ vậy, dự án được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình mẫu để nhân rộng, góp phần giải quyết vấn đề kinh tế – xã hội cho một bộ phận dân nghèo sống quanh lòng hồ Thác Bà, thay đổi phương thức khai thác “tận diệt” nguồn thủy sản tự nhiên, giảm rủi ro và sự lệ thuộc vào thiên nhiên.
Do sinh sống trong nguồn nước sạch nên cá hồ Thác Bà được nhiều thực khách “sành” ăn ưa chuộng.
Việc ứng dụng công nghệ nuôi cá lồng Na Uy với quy trình tiên tiến đảm bảo năng suất cao tại hồ Thác Bà đang đem lại hiệu quả kinh tế cho 130 hộ gia đình, đồng thời mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung cho tỉnh Yên Bái.