Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ưu đãi, Quảng Ninh là một trong những địa phương có nghề nuôi cá lồng bè hình thành từ rất sớm so với các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, trong hoạt động nuôi biển, việc sử dụng phao xốp, phao phi đã làm nảy sinh nhiều yếu tố gây ô nhiễm đến môi trường biển. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn cho việc nuôi lồng bè, giàn bè và bảo vệ cảnh quan môi trường vùng biển ven bờ, UBND tỉnh đã có Quyết định ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) lợ, mặn tại Quảng Ninh.
Việc sử dụng phao xốp trong NTTS đã làm phát sinh một lượng lớn rác thải ra môi trường biển của tỉnh. |
Qua rà soát thống kê của các địa phương, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 20.000 ô lồng NTTS, tập trung chủ yếu tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Các đối tượng nuôi chính là cá song, cá vược, cá giò, cá chim vây vàng… Do có giá thành rẻ, dễ làm, nguồn nguyên liệu sẵn có và phù hợp với trình độ quản lý của người nuôi, nên phần lớn các lồng bè được làm bằng gỗ, phao xốp hoặc phao phi. Tuy nhiên, các loại vật liệu trên thường có tuổi thọ rất thấp, chống chịu kém với tác động của sóng gió, thuyền bè va đập, nên đã làm phát sinh một lượng lớn rác thải ra môi trường biển, tác động trực tiếp đến cảnh quan và hoạt động du lịch biển của tỉnh, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Theo báo cáo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hằng năm các đơn vị thu dọn khoảng 2.000 tấn rác từ vịnh Hạ Long, trong đó có khoảng 2/3 lượng rác là phao xốp, tre, nứa từ nuôi trồng thủy sản.
Từ những thực trạng nêu trên, năm 2015, Sở NN&PTNT đã xây dựng Dự án phát triển nghề nuôi cá lồng bằng vật liệu HDPE, đảm bảo sóng gió và thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh. Dự án được triển khai thí điểm cho 30 hộ dân ở Vân Đồn và Đầm Hà với quy mô 6.000m3. Các hộ tham gia dự án được tư vấn kỹ thuật chế tạo lồng bằng nhựa HDPE và được hỗ trợ thức ăn, con giống để nuôi. Quá trình thực hiện đến năm 2017 cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, song lồng nuôi được làm bằng vật liệu mới có kết cấu vững chắc, chịu được sóng gió cấp 8-9, chịu mặn, chịu nhiệt tốt, phù hợp với điều kiện tại Quảng Ninh, thân thiện với môi trường.
Công ty CP Nhựa Super Trường Phát giới thiệu các vật liệu HDPE sử dụng phao nổi trong NTTS cho các hộ nuôi của HTX NTTS Phất cờ. |
Không dừng lại ở những mô hình thí điểm, để NTTS theo hướng thật sự bền vững, có trách nhiệm với môi trường, ngày 31/8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong NTTS lợ, mặn. Việc ban hành quy chuẩn đã đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành nội dung này, lộ trình thực hiện cũng được tỉnh quy định rất rõ.
Cụ thể từ ngày 1/1/2021, các cơ sở NTTS lợ, mặn, thực hiện đầu tư mới phải đáp ứng đúng theo quy chuẩn; từ ngày 1/1/2023, các cơ sở NTTS đang sử dụng vật liệu làm phao nổi không phù hợp sẽ phải thực hiện chuyển đổi toàn bộ vật liệu để đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn. Đây được coi là giải pháp mạnh tay của tỉnh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển Quảng Ninh.
Điều đáng ghi nhận là chỉ sau 3 tháng tỉnh ban hành quy chuẩn, đến thời điểm này, đã có 3 doanh nghiệp tổ chức công bố hợp quy cho sản phẩm vật liệu HDPE sử dụng làm phao nổi cho NTTS nước mặn, lợ tại Quảng Ninh. Mặc dù đã có quy chuẩn, có sản phẩm hợp quy, tuy nhiên thực tế ghi nhận cho thấy, các hộ NTTS vẫn chưa thực hiện việc thay thế và chuyển đổi sang vật liệu mới.
Lồng bè, phao nổi bằng nhựa HDPE được Công ty CP Nhựa Super Trường Phát lắp đặt mẫu tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. |
Ông Nguyễn Sĩ Bính, Giám đốc HTX NTTS Phất cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), cho biết: Từ những năm 1998, tôi đã được biết đến vật liệu ống nhựa HDPE trong NTTS khi là nhân viên của Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ tại Vân Đồn. Khi công ty giải thể, tôi đã tiếp quản diện tích NTTS mà họ thuê trước đây, đồng thời mua bè nuôi cá bằng nhựa HDPE. Sau một thời gian dài sử dụng cho thấy vật liệu này rất bền, có thể lên tới 30-50 năm, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét. Với điều kiện tự nhiên như Quảng Ninh có khoảng 6-7 cơn bão/năm, người NTTS thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro về tài sản và tính mạng, việc đưa lồng cá bằng nhựa HDPE, nhựa cao cấp làm lồng bè cho thấy đây là hướng đi cần thiết và đúng đắn. Thế nhưng, để người dân có thể thay thế từ phao xốp sang vật liệu mới này, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi vì chi phí ban đầu khá lớn. Hiện 1 ô lồng có diện tích khoảng 9m2, nếu sử dụng vật liệu phao, xốp chi phí khoảng 7-8 triệu đồng, nhưng nếu là nhựa HDPE thì lên tới 20 triệu đồng. Do đó, để thay thế, đóng mới cho 50 ô lồng, số tiền sẽ lên tới hàng tỷ đồng.
Được biết, bảo vệ môi trường biển trong NTTS cũng là mục tiêu trọng tâm được quy định cụ thể tại Quyết định số 3675/QĐ-UBND ngày 18/9/2018 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để mục tiêu này đạt được như mong đợi, các sở, ngành, địa phương cần đánh giá, rà soát lại nhu cầu và khả năng thực tế của hộ nuôi, từ đó có những cơ chế hỗ trợ phù hợp, giúp cho các hộ nuôi mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng mới.
Trích nguồn: http://www.baoquangninh.com.vn/kinh-te/202102/huong-di-can-thiet-trong-bao-ve-moi-truong-bien-2522313/